8 Nội dung Hoạt động Xúc tiến Đầu tư theo Nghị định 31/2021/NĐ-CP

Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư là 1 trong 8 Nội dung của hoạt động xúc tiến đầu tư theo Điều 88 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 gồm:
“Điều 88. Nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư
1. Nghiên cứu tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư.
2. Xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư.
3. Hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư.
4. Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư.
5. Xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư.
6. Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư.
7. Đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư.
8. Hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư.
Nội dung cụ thể của hoạt động xúc tiến đầu tư theo quy định trên như sau:
1. Nghiên cứu tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư.
- Thực hiện các chương trình hợp tác đầu tư và ngoại giao kinh tế để tìm kiếm cơ hội hợp tác, quảng bá, thu hút đầu tư nước ngoài, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong các lĩnh vực tỉnh quan tâm, như: Du lịch; Phát triển hạ tầng; Nông, lâm nghiệp chất lượng cao; Giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Khoa học công nghệ…
- Nghiên cứu cơ hội đầu tư, thị trường tiềm năng và xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư để tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có thế mạnh và đang mời gọi đầu tư.
- Thông qua các tổ chức quốc tế, hiệp hội trong nước, xây dựng chương trình, tổ chức và tham gia các diễn đàn, hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế theo hình thức trực tuyến.
2. Xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư.
- Tăng cường các hoạt động thông tin đối ngoại, tuyên truyền, phát hành các ấn phẩm giới thiệu hình ảnh, chính sách khuyến khích, ưu đãi phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư để phục vụ cho việc thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài. Liên hệ với các Đại sứ quán, các tổ chức xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài để gửi tài liệu xúc tiến đầu tư đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư; trưng bày, quảng bá tại các Hội nghị, Hội thảo trong nước và nước ngoài.
- Thiết kế công tác xúc tiến đầu tư theo ngành, lĩnh vực, tập trung vào những sản phẩm nằm trong chuỗi giá trị hàng hoá có lợi thế, có tiềm năng đầu tư thành vùng hàng hoá tập; Các sản phẩm du lịch lịch sử sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, các dự án công nghiệp chế biến sâu, dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật...
- Gắn kết hoạt động xúc tiến đầu tư với các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch và các hoạt động đối ngoại, các chương trình văn hóa qua đó quảng bá hình ảnh tốt đẹp về đất nước, con người nhằm hấp dẫn và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
3. Hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư.
- Thực hiện tốt việc cung cấp, giới thiệu địa điểm thực hiện dự án cho nhà đầu tư vào khu công nghiệp; đẩy mạnh hoạt động của tư vấn hỗ trợ các nhà đầu tư vào khu công nghiệp, tăng cường công tác trợ giúp nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
- Tiếp nhận, tổng hợp và trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết các đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư.
- Cung cấp các thông tin về tình hình kinh tế - xã hội; tình hình đầu tư, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành và vùng lãnh thổ; pháp luật, cơ chế, chính sách; tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư khi có yêu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp.
- Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng nhà đầu tư trong thực hiện các dự án, nhất là hỗ trợ các khó khăn vướng mắc trong thực hiện các thủ tục theo quy định sau khi cấp chủ trương đầu tư
4. Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư.
Hệ thống hóa, số hóa các số liệu, dữ liệu về các quy hoạch; môi trường đầu tư, hạ tầng kỹ thuật; quy định pháp luật, chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp; thủ tục về đầu tư, môi trường, đất đai, cơ sở dữ liệu chuyên sâu về các Khu, cụm công nghiệp; Khả năng cung ứng lao động... nhằm hỗ trợ nhà đầu tư tìm hiểu môi trường đầu tư, lập và triển khai dự án đầu tư.
5. Xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư.
Tổng hợp, xây dựng, cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa thông tin của danh mục dự án đầu tư phù hợp với tình hình thực tiễn, bao gồm: dự án mời gọi đầu tư với các lĩnh vực: Sản xuất nông, lâm, thủy sản; phát triển du lịch và thương mại; sản xuất công nghiệp; Văn hóa - Giáo dục; đầu tư cơ sở hạ tầng
6. Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư.
- Xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư và nội dung chi tiết của dự án thuộc danh mục dự án kêu gọi đầu tư;
- Nâng cấp Trang thông tin điện tử đăng tải về xúc tiến đầu tư, phát hành bản tin cung cấp thông tin về đầu tư, thương mại, du lịch phục vụ nhu cầu thông tin của các nhà đầu tư;
- Các tài liệu nghiên cứu tổng hợp, nghiên cứu chuyên đề về lao động, cơ sở hạ tầng, đào tạo, cải cách thủ tục hành chính, cơ chế ưu đãi đầu tư vào khu công nghiệp;
- Xây dựng các chuyên đề hoặc bài báo, tạp chí; các chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá về khu công nghiệp để đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Thường xuyên cập nhật các thông tin giá về một số các dịch vụ thiết yếu để cung cấp cho các nhà đầu tư như: Giá điện, nước, giá nhân công, cước vận chuyển...
7. Đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư.
- Phối hợp, liên kết với cơ quan trung ương mở 01-02 lớp đào tạo về kiến thức quản lý, kỹ năng xúc tiến đầu tư cho cán bộ quản lý nhà nước, lãnh đạo các doanh nghiệp.
- Từng bước nâng cao trình độ của cán bộ chuyên trách làm xúc tiến đầu tư; cử cán bộ thực hiện công tác xúc tiến đầu tư đi học hỏi kinh nghiệm tại một số địa phương có hoạt động xúc tiến đầu tư. Đồng thời tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư trong các ngành, lĩnh vực do Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc, Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công thương tổ chức.
- Tiếp tục nâng cao trình độ về ngoại ngữ cho cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư. Từng bước xây dựng đội ngũ làm công tác xúc tiến đầu tư chuyên nghiệp, đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra.
8. Hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư
- Kết nối, hợp tác với các tổ chức, Hội, Hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm xây dựng kênh thông tin hiệu quả về môi trường đầu tư, định hướng thu hút đầu tư trong hoạt động xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp.
- Tăng cường kết nối để xây dựng các chương trình công tác, làm việc cụ thể với các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam như Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)... để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư vào khu công nghiệp.
Hotline 0941886161
Liên hệ qua Zalo
Messenger