-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Cẩm nang Du lịch Lâm Đồng 2025: Top 15 địa điểm nổi tiếng
Lâm Đồng là một tỉnh thuộc Tây Nguyên, đa số là núi và cao nguyên và hệ thống sông suối lớn. Phía Bắc là dãy núi Yang Bông. Phía Nam là dãy núi có đỉnh Đan Sê Na và đỉnh Lang Biang và Hòn Giao. Phía Nam là cao nguyên Lang Biang và cũng là nơi tọa lạc của thành phố Đà Lạt. Phía Đông Nam là cao nguyên Di Linh.
Ảnh: sưu tầm
1. Nên đi du lịch Lâm Đồng vào thời điểm nào?
Lâm Đồng có khí hậu ôn đới, mát mẻ quanh năm, không khí trong lành và tương đối lạnh so với các vùng khác. Do vị trí địa lý của Lâm Đồng trên cao nguyên, ở độ cao từ 800 đến 1.500 m so với mực nước biển. Ở đây có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô là những tháng còn lại. Mùa khô có nhiệt độ trung bình từ 18 đến 25 độ C, là thời điểm lý tưởng để đến Lâm Đồng.
Hoa dã quỳ nở ở Bảo Lộc. Ảnh: sưu tầm
2. Phương tiện di chuyển khi du lịch Lâm Đồng
2.1. Phương tiện di chuyển đến Lâm Đồng
Máy bay: Đây là phương tiện nhanh chóng và tiện lợi nhất để đến Lâm Đồng, đặc biệt nếu bạn ở xa. Sân bay Liên Khương (Đà Lạt) có các chuyến bay từ Hà Nội, TP.HCM và các thành phố lớn khác. Từ sân bay, bạn có thể đi taxi hoặc xe buýt vào trung tâm Đà Lạt.
Xe khách: Đây là phương tiện phổ biến và tiết kiệm chi phí. Có nhiều hãng xe khách chạy tuyến TP.HCM - Đà Lạt và các tỉnh thành khác đến Lâm Đồng. Bạn có thể chọn xe giường nằm hoặc ghế ngồi tùy theo nhu cầu.
Tàu hỏa: Tuyến đường sắt Thống Nhất có điểm dừng tại ga Đà Lạt. Đi tàu hỏa là một trải nghiệm thú vị để ngắm cảnh đẹp trên đường đi, nhưng thời gian di chuyển khá lâu.
2.2. Phương tiện di chuyển ở Lâm Đồng
Xe máy: Nếu bạn thích tự do khám phá và trải nghiệm, thuê xe máy là một lựa chọn tốt. Bạn có thể thuê xe máy ở Đà Lạt hoặc các huyện khác trong tỉnh.
Xe buýt: Xe buýt là phương tiện công cộng phổ biến ở Đà Lạt và các khu vực lân cận. Tuy nhiên, xe buýt có thể không tiện lợi nếu bạn muốn đi đến các điểm xa trung tâm.
Taxi: Taxi là phương tiện thuận tiện nhưng chi phí cao hơn. Bạn có thể gọi taxi để di chuyển trong thành phố hoặc đi đến các điểm du lịch xa.
3. Ở đâu khi du lịch Lâm Đồng
Sau khi đến Lâm Đồng du khách nên chọn qua đêm hoặc nghỉ ngơi tại các khách sạn ở thành phố Đà Lạt, nơi có khá nhiều dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng phát triển tại Lâm Đồng. Lưu trú ở Đà Lạt ngoài việc giúp cho du khách dễ dàng hơn khi lựa chọn nơi ở thì cũng giúp cho việc di chuyển, tham quan các thắng cảnh ở Lâm Đồng được thuận tiện hơn rất nhiều. Một vài khách sạn, nhà nghỉ được nhiều khách đi du khách đánh giá khá cao khi đến du lịch Lâm Đồng như: Ladophar, Phước Đức, Bồng Hồng…Ngoài ra, các homestay ở Đà Lạt, Bảo Lộc cũng được đánh giá cao về chất lượng, du khách có thể tham khảo thêm cho chuyến du lịch của mình.
Homestay ở Đà Lạt - Ảnh: sưu tầm
4. Những địa điểm du lịch ở Lâm Đồng
4.1. Thác Dambri
Thác Dambri là cũng một trong những địa điểm du lịch Lâm Đồng nổi tiếng, chỉ cách Bảo Lộc 18km. Đây là điểm đến siêu hấp dẫn cho những ai yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên và muốn trải nghiệm những giây phút thư giãn giữa không gian xanh mát. Con đường dẫn đến thác Dambri sẽ đi qua những đồi chè dài bất tận, những vườn trái cây phong phú và mảnh đất phủ đầy hương cà phê quyến rũ. Khi đến nơi, bạn sẽ bị mê hoặc bởi vẻ đẹp hoang sơ của thác nước với độ cao ấn tượng lên đến 90m. Dòng nước trắng xóa đổ từ trên cao tạo nên một bức tranh thiên nhiên vô cùng sống động và hùng vĩ.
Ảnh: sưu tầm
4.2. Tà Năng - Phan Dũng
Rừng Tà Năng - Phan Dũng, nằm giữa ba tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận, là một trong những khu rừng nguyên sinh đẹp và hoang sơ nhất của Việt Nam. Tà Năng - Phan Dũng được bao phủ bởi những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, những đồi cỏ xanh mướt, những con suối nhỏ róc rách và những thác nước hùng vĩ. Đặc biệt, vào mùa mưa, những dòng thác ở đây trở nên mạnh mẽ và tạo nên một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Rừng Tà Năng - Phan Dũng là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm, trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam. Đây cũng là nơi cư trú của nhiều dân tộc thiểu số như K'Ho, Chu Ru, Raglai... với những nét văn hóa độc đáo và phong tục tập quán riêng biệt. Trekking Tà Năng - Phan Dũng là một trong những cung đường trekking khó nhất và đẹp nhất Việt Nam. Hành trình thường kéo dài từ 2 đến 3 ngày, với nhiều thử thách như vượt suối, leo đèo, băng rừng... Tuy nhiên, những khó khăn đó sẽ được đền đáp xứng đáng khi bạn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ của núi rừng, hòa mình vào thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống hoang dã.
Ảnh: sưu tầm
4.3. Thác Jraiblian ( Thác Bảo Đại)
Thác tọa lạc ở xã Tà Hine, Lâm Đồng. Cái tên Jraiblian này còn có nghĩa là đá cao. Đến với núi rừng Tà In, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng thác nước cao mang vẻ đẹp huyền bí. Xung quanh là những tảng đá khổng lồ xếp chồng lên nhau sẽ để lại những ấn tượng khó quên cho du khách.
Ảnh: sưu tầm
4.4. Làng K’Long
Làng K’Long hay còn gọi với cái tên Làng Gà. Đây là nơi sinh sống của người K’Ho ở Tây Nguyên. Điểm ấn tượng với du khách là những ngôi nhà gỗ cũ kỹ được xây dựng hàng trăm năm. Không những vậy, trên đường vào bản, bạn sẽ say mê trước ruộng bậc thang đất đỏ bao phủ toàn một màu xanh. Những người phụ nữ ở đây còn có truyền thống dệt thổ cẩm truyền thống, sự độc đáo ấy được thể hiện qua những bộ trang phục mà họ mặc trên người.
Ảnh: sưu tầm
4.5. Thác Pongour
Thác Pongour thuộc huyện Đức Trọng, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 50 km. Thác đổ từ độ cao gần 40 m, trải rộng hơn 100m, với hệ thống đá bậc thang 7 tầng thác đổ. Có hai đường để xuống chân thác. Đường chính có độ dốc thoải, dễ đi và không bị mất sức. Đường thứ hai ngắn hơn nhưng nhiều bậc. Vẻ đẹp của thác nằm ở những tầng đá xếp lại với nhau không theo trật tự. Những tầng đá này đã khiến dòng nước từ trên cao đổ xuống biến thành hàng trăm dòng nhỏ, trắng xóa.
Ảnh: sưu tầm
4.6. Thung lũng Tình yêu
Thung lũng tình yêu Đà Lạt tọa lạc bên sường đồi và rừng thông xanh biếc. Với không khí mát mẻ và trong lành, cảnh vật ở đây tươi xanh quanh năm. Không những vậy, ở đây còn có nhiều trò chơi mạo hiểm hứa hẹn sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị nhất.
Ảnh: sưu tầm
4.7. Vườn hoa Đà Lạt
Vườn hoa có diện tích lên đến hơn 7000m2 , là một trong những vườn hoa có diện tích lớn nhất Việt Nam và đứng trong top của thế giới. Ở đây được trồng 300 loài hoa khác nhau, không chỉ lấy giống hoa ở Việt Nam mà còn có một số loại được nhập từ nước ngoài như hoa đồng tiền và hoa đỗ quyên.
Ảnh: sưu tầm
4.8. Ga Đà Lạt
Nhà Ga Đà Lạt cũng là một trong những địa điểm du lịch Lâm Đồng được du khách yêu thích bởi sự tiện lợi vì nó nằm ngay trung tâm thành phố. Nhà ga này cũng được mệnh danh là một trong những nhà ga cổ – độc – lạ nhất Việt Nam. Mặc dù quy mô không lớn nhưng với kiến trúc đặc sắc, hài hòa với thiên nhiên, ga Đà Lạt đã tạo nên một điểm nhấn ấn tượng cho thành phố. Bên cạnh đó, nhà ga cổ kính này cũng là địa điểm check in yêu thích của những bạn thích chụp với bối cảnh vintage. Với lớp sơn màu vàng tươi cùng kiến trúc độc đáo, ga Đà Lạt sẽ là background vô cùng ấn tượng.
Ảnh: sưu tầm
4.9. Nhà Thờ Con Gà
Nhà Thờ Con Gà là một trong những nhà thờ lớn nhất tại Lâm Đồng. Đây không chỉ đơn thuần là một địa điểm để bà con giáo dân địa phương đến dự lễ. Mà nơi đây còn là một địa điểm để khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Nhà Thờ Con Gà còn được biết đến với một tên gọi khác là nhà thờ Chính Tòa Đà Lạt. Sở dĩ nhà thờ có tên gọi là nhà thờ con gà, là vì trên ngọn thánh giá cao nhất của nhà thờ được gắn vào đó tượng một chú gà trống làm bằng hợp kim nhôm nhẹ và rỗng ở bên trong. Nhà thờ Con Gà cũng là một trong những công trình kiến trúc theo kiểu Roman còn sót lại duy nhất tại Đà Lạt.
Ảnh: sưu tầm
4.10. Chùa Linh Phước
Chùa Linh Phước, còn được gọi là chùa Ve Chai, là một trong những điểm đến tâm linh nổi tiếng và độc đáo nhất của Đà Lạt. Tọa lạc tại số 120 Tự Phước, Trại Mát, cách trung tâm thành phố khoảng 8km, chùa Linh Phước không chỉ thu hút du khách bởi vẻ đẹp kiến trúc độc đáo mà còn bởi những giá trị văn hóa và tâm linh sâu sắc.
Ảnh: sưu tầm
4.11. Đồi chè Cầu Đất
Cách trung tâm thành phố 25km, đồi chè Cầu Đất là một địa điểm du lịch Lâm Đồng siêu lý tưởng để săn mây. Để săn mây, bạn cần phải di chuyển từ sớm, để đến được đồi lúc 5h - 6h sáng. Khi đến nơi, bạn sẽ bị ấn tượng bởi những hàng chè được trồng ngay ngắn, thẳng tắp. Mùi lá chè tươi ngon, hương thơm thoang thoảng cùng không khí sớm mai sẽ khiến mọi mệt mỏi tan biến. Buổi chiều cũng là thời điểm tuyệt vời để bạn chiêm ngưỡng khung cảnh hoàng hôn đẹp như tranh vẽ. Thời gian tốt nhất để ghé thăm đồi là từ tháng 12 đến tháng 4, lúc này Lâm Đồng rất khô ráo và dễ chịu và bạn cũng có cơ hội săn mây thành công hơn.
Ảnh: sưu tầm
4.12. Núi Langbiang
Langbiang – hay núi Langbiang, hay khu du lịch núi Langbiang là hai ngọn núi: Núi Ông và núi Bà nằm cách thành phố Đà Lạt 12 km thuộc địa phận huyện Lạc Dương. Núi Bà cao 2.167 m so với mặt nước biển, núi Ông cao 2.124 m so với mặt nước biển. Ngoài ra trong khu du lịch còn có ngọn đồi Ra-đa cao 1.929 m, ngọn đồi này cũng là một địa điểm quen thuộc đối với du khách. Nhìn từ trung tâm thành phố Đà Lạt Núi Bà nằm bên trái, núi Ông nằm bên phải. Langbiang được ví như “nóc nhà” của Đà Lạt, và là điểm tham quan du lịch hấp dẫn của Lâm Đồng.
Ảnh: sưu tầm
4.13. Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà
Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà thuộc huyện Lạc Dương và một phần huyện Đam Rông. Vườn bảo tồn các hệ sinh thái rừng trong vùng khí hậu á nhiệt đới, núi cao và các loài động thực vật rừng đặc hữu, quý hiếm. Năm 2015, Vườn là một phần của Khu dự trữ sinh quyển Langbiang. Du khách đến Bidoup – Núi Bà thường tham gia trekking đường dài và cắm trại trong rừng. Ở đây còn có các tour sinh thái, tour đi bộ 2-3 km để xem chim, ếch và chụp ảnh.
4.14. Chùa Linh Quy Pháp Ấn
Cách thành phố Bảo Lộc khoảng 21km về phía Nam, chùa Linh Quy Pháp Ấn (Pháp Ấn Sơn) tọa lạc tại Đồi 45, Thôn 4, Lộc Thành, Bảo Lâm, Lâm Đồng – được mệnh danh là chốn bồng lai tiên cảnh với những cánh “cổng trời”, nơi bạn có thể phóng tầm mắt nhìn ngắm cả một khoảng không gian rộng lớn và hòa mình vào đất trời, núi non.
Ảnh: sưu tầm
4.15. Khu sinh thái Madagui
Khu sinh thái Madagui thuộc huyện Da Huoai, là một phần của rừng Quốc Gia Nam Cát Tiên. Ở đây có hệ thảm thực vật đa dạng và phong phú với vô vàn các loại cây cổ thụ như cây Tung, K’nia… Tre trúc ở đây có gần 50 chủng loại khác nhau. Hệ thống hang động tự nhiên cũng rất kỳ bí, rất thích hợp để khám phá. Du khách đến đây có thể tham gia chơi chèo thuyền kayak, zipline, leo núi, đi bộ trên không, trượt cỏ, cưỡi ngựa, bắn súng đạn nước sơn…
5. Ăn gì khi đi du lịch Lâm Đồng
5.1. Bánh tráng nướng
Buổi tối, món bánh tráng không khó tìm. Bạn sẽ gặp các gánh hàng rong vòng quanh hồ Xuân Hương, hoặc trong khu chợ đêm Đà Lạt. Thành phần chính tạo nên món ăn là bánh tráng và trứng gà, được điểm xuyết thêm ít hành lá và tép khô. Khi ăn, chỉ cần cho lên một ít tương ớt, gấp tròn lại là thực khách đã có thể thưởng thức món ăn gây thương nhớ cho bao người.
Ảnh: sưu tầm
5.2. Nem nướng Đà Lạt
Nem nướng Đà Lạt bắt buộc phải được làm từ loại thịt tươi. Khi ăn phải ăn cùng với rau sống, bánh tráng, dưa món. Một cuốn nem nướng sẽ đầy đủ với vị đậm, thơm của nem nướng, vị chua của dưa món, vị mát của rau xanh… Một điều làm nên hương vị đặc trưng của nem nướng Đà Lạt chính là nước chấm. Đó là loại nước tương màu vàng được làm từ thứ gạo nếp ngon thơm nhất. Nó không loãng cũng không đặc quá, mà sền sệt vừa tạo được độ dính, mà lại đậm đà thanh thanh.
Ảnh: sưu tầm
5.3. Bánh căn Đà Lạt
Đây là loại bánh rất phổ biến ở Đà Lạt. Sẽ có rất nhiều bạn tưởng nhầm đây là bánh khọt vì cũng là loại bánh làm bằng bột gạo pha vào nước rồi đổ vào khuôn. Nhưng hai loại bánh này khách nhau. Màu vàng của bánh căn là do trứng còn bánh khọt là do nghệ.
Ảnh: sưu tầm
5.4. Bánh bèo Đà Lạt
Không phải như bánh bèo Huế, bánh bèo ở xứ sở ngàn hoa rất khác. Bánh bèo ở đây ăn trong đĩa sẽ được chan nước nhân thịt lên, cùng với bóng cá, da heo hoặc bánh mì chiên giòn rắc lên trên.
Ảnh: sưu tầm
5.5. Canh hoa atiso hầm giò heo
Là một đặc sản của riêng Đà Lạt, canh hoa atiso hầm giò heo ăn ở bất cứ nơi nào khác cũng không có hương vị như giữa đất trời nơi đây. Trong các món ăn từ atiso, hầm giò heo là hút người ăn nhất. Ăn miếng atiso hay giò heo đã ninh nhừ đều thấy trọn vẹn vị hòa quyện vào nhau của món ăn.
Ảnh: sưu tầm
5.6. Phở khô Bảo Lộc
Gọi là phở khô nhưng lại không phải là bánh phở mà các bạn vẫn thường thấy, sợi phở ở đây trông giống sợi mì/hủ tiếu hơn. Mà là sợi gì đi nữa thì các bạn cũng sẽ không nỡ chối từ khi thưởng thức bởi miếng bò mềm, thơm được trộn cùng các loại rau và nước sốt đậm đà khiến cho món ăn có một hương vị riêng vô cùng đặc biệt.
Ảnh: sưu tầm
5.7. Cà phê
Nổi tiếng là vùng đất trồng cà phê của Tây Nguyên, nhất là giống cà phê arabica được trồng ở Đà Lạt. Các bạn đến Lâm Đồng không thể chối từ hương vị thơm ngon, quyến rũ của những ly cà phê được trồng và chế biến ngay tại đây.
Ảnh: sưu tầm
6. Đặc sản Lâm Đồng làm quà
6.1. Dâu tây Đà Lạt
Dâu tây được trồng lấy trái ở vùng ôn đới. Với mùi thơm hấp dẫn cùng vị dâu ngọt lẫn chua nên dâu tây được ưa chuộng. Ở Việt Nam, khí hậu mát mẻ của miền núi Đà Lạt là môi trường thích hợp với việc canh tác dâu nên loại trái cây này được xem là đặc sản của vùng cao nguyên này.
Ảnh: sưu tầm
6.2. Chè Bảo Lộc
Cây trà có một lịch sử khá lâu đời ở Bảo Lộc. Dù trong nông nghiệp, kinh tế hay du lịch, trà luôn góp một phần không nhỏ trong sự phát triển của thành phố này. Trà bắt đầu làm quen với đất B’Lao từ các đồn điền của người Pháp như đồn điền Felit B’Lao, B’Lao Sierre… rồi dần dà là sự ra đời của các trang trại, các rẫy trà, vườn trà của các hộ gia đình. Đến hôm nay, trà là một trong ba cây công nghiệp quan trọng, phát triển mạnh nhất ở Bảo Lộc.
Ảnh: sưu tầm
6.3. Các sản phẩm từ Atiso
Thực tế, không có nhiều loài cây nào mà toàn bộ cây từ rễ, gốc, thân cho đến lá, bông đều được sử dụng như cây Atisô. Khoa học đã chứng minh Atisô là cây dược liệu, có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ảnh: sưu tầm
6.4. Mứt Đà Lạt
Đà Lạt là thiên đường trái cây vì thế các loại mứt ở đây nhiều vô kể. Mứt ở đây có hương vị độc đáo, đủ màu sắc, đủ thể loại. Nếu muốn mua mứt ngon thì phải kể đến mứt hồng, mứt quất trần, mứt khoai lang dẻo hay đặc biệt hơn là mứt hoa hồng.
Ảnh: sưu tầm
6.5. Chuối Laba
Chuối Laba được mệnh danh là Chuối Tiến Vua bởi từ xa xưa loại chuối này chỉ được dành riêng cho các vị vua chúa hoặc các thủ lĩnh bộ lạc thưởng thức bởi vị ngon thơm dẻo của chúng. Chuối Laba chỉ thích hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng vùng Cao nguyên Lâm Đồng, nơi quanh năm mát mẻ, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn. Chuối Laba thịt vàng sánh, dẻo, ngọt đậm thơm ngon và có mùi hương đặc trưng
Ảnh: sưu tầm
6.6. Rượu vang Đà Lạt
Vang Đà Lạt là loại rượu vang có xuất xứ tại Đà Lạt, được làm từ nho và các loại trái cây đặc sản của vùng này. Sản phẩm vang Đà Lạt đầu tiên ra đời năm 1999, cũng là sản phẩm rượu vang nho đầu tiên được làm bởi chính người Việt Nam.
Ảnh: sưu tầm
7. Lưu ý khi đi du lịch Đắk Nông
Nên mang theo áo khoác (vì thời tiết ở Tây Nguyên có thể se lạnh vào buổi tối), kem chống nắng, thuốc chống côn trùng, thuốc đau bụng, cảm cúm thông thường.
Tìm hiểu kỹ về văn hóa và phong tục tập quán của người dân địa phương để tránh những điều kiêng kỵ.
Chuẩn bị sức khỏe tốt để tham gia các hoạt động khám phá thiên nhiên.
Nên đi du lịch Lâm Đồng vào mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 4) để thuận tiện cho việc di chuyển và tham quan.
Theo: nguồn tổng hợp