9 Di sản Văn hóa, Thiên nhiên thế giới tại Việt Nam được UNESCO vinh danh

Việt Nam hiện có chín di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, gồm: quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), khu di tích Chăm Mỹ Sơn (Quảng Nam), đô thị cổ Hội An (Quảng Nam), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Thành nhà Hồ (Thanh Hoá), Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (Quảng Ninh và TP Hải Phòng). 
Những di sản không chỉ minh chứng cho một “dải chữ S” tươi đẹp, đa dạng cảnh quan, có bề dày lịch sử lâu đời mà còn là điểm đến thu hút hàng nghìn khách du lịch trong nước và quốc tế mỗi năm.
1. Quần thể Di tích Cố đô Huế - Di sản Văn hóa Thế giới
Nằm dọc hai bên bờ sông Hương và một vài vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, Quần thể Di tích Cố đô Huế từng là kinh đô của Việt Nam từ năm 1802 - 1945. Ngày 11/12/1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Thế giới với giá trị nổi bật toàn cầu biểu trưng cho sự nổi bật về uy quyền của một đế chế phong kiến đã mất của Việt Nam vào thời kỳ hưng thịnh nhất của nó đầu thế kỷ XIX – một điển hình nổi bật của Kinh đô phong kiến phương Đông.
2. Vịnh Hạ Long - Di sản Thiên nhiên Thế giới
Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam. Với tổng diện tích khoảng 1.533km2, vịnh Hạ Long sở hữu khoảng 1.600 hòn đảo đá vôi và đảo nhỏ. Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới: giá trị nổi bật toàn cầu về cảnh quan tự nhiên (17/12/1994) và giá trị về địa chất, địa mạo (2/12/2000).
3. Khu Di tích Thánh địa Mỹ Sơn - Di sản Văn hóa Thế giới
Nằm ở tỉnh Quảng Nam, Thánh địa Mỹ Sơn là tổ hợp nhiều đền đài Chăm Pa, đây từng là nơi tổ chức cúng tế và là nơi tập trung lăng mộ của các vị hoàng thân quốc thích của Vương Triều Chăm Pa trong suốt giai đoạn từ thế kỷ VII – XIII. Khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Thế giới ngày 1/12/1999 với tiêu chí: điển hình nổi bật về sự giao lưu văn hóa với sự hội nhập văn hóa bản địa, phản ánh sinh động tiến trình phát triển của lịch sử văn hóa Chăm Pa trong lịch sử văn hóa Đông Nam Á.
4. Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hóa Thế giới
Là một đô thị cổ của người Việt, Hội An nằm ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn thuộc tỉnh Quảng Nam. Nơi đây còn được biết đến là một thương cảng quốc tế được hình thành vào thế kỷ XVI và đặc biệt phát triển khoảng thế kỷ XVII – XVIII. Đô thị cổ Hội An được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa Thế giới ngày 1/12/1999 với giá trị nổi bật toàn cầu về một sự biểu thị vật chất nổi bật của sự hòa trộn các nền văn hóa vượt thời gian tại một thương cảng quốc tế, là một điển hình nổi bật về bảo tồn một thương cảng châu Á cổ truyền.
5. Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng - Di sản Thiên nhiên Thế giới
Với diện tích 123.326ha nằm trong vùng sinh thái bắc Trường Sơn, vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là một trong những mẫu hình riêng biệt và đẹp nhất về kiến tạo carxtơ phức tạp ở Đông Nam Á, là nơi hội tụ những giá trị về địa chất, địa mạo, khí hậu, sinh học, cảnh quan và văn hóa cũng như lịch sử độc đáo. Phong Nha - Kẻ Bàng hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, giá trị toàn cầu về địa chất, địa mạo (năm 2003), giá trị về hệ sinh thái và đa dạng sinh học (năm 2015).
6. Hoàng Thành Thăng Long - Di sản Văn hóa Thế giới
Hoàng Thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội. Công trình kiến trức đồ sộ này được các triều vua (Lý – Trần – Lê) xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. Ngày 1/8/2010, Hoàng Thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản này được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật: chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ, tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú, sinh động.
7. Thành nhà Hồ - Di sản Văn hóa Thế giới
Thành nhà Hồ do Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397 dưới thời vua Trần Thuận Tông. Tòa thành này là kinh đô của Việt Nam năm 1397 – 1407. Hiện nay, đây là một trong những thành lũy bằng đá hiếm hoi còn sót lại tại Đông Nam Á. Ngày 26/6/2011, Thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vì những giá trị văn hóa, lịch sử cùng kỹ thuật xây dựng độc đáo.
8. Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới
Sở hữu diện tích 6226ha, Quần thể danh thắng Tràng An bao gồm 3 khu vực liền nhau là: Di tích Cố đô Hoa Lư, Khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư. Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào ngày 23/6/2014. Đây là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào ngày 23/6/2014. Đây là di sản hỗn hợp duy nhất của Việt Nam, đáp ứng các tiêu chí nổi bật cầu về: văn hoá - vẻ đẹp thẩm mỹ và địa chất - địa mạo.
Với 8 di sản thế giới, Việt Nam là quốc gia có nhiều di sản thứ hai ở khu vực Đông Nam Á. Indonesia đứng đầu với 9 di sản thế giới được UNESCO công nhận.
9. Quần thể Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) - Di sản Thiên nhiên Thế giới 2023
Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận Di sản Thế giới bởi nơi đây có các khu vực với vẻ đẹp thiên nhiên bao gồm đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ; đỉnh nhọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển cùng với đặc điểm karst liên quan như các mái vòm, hang động. Cảnh trí ngoạn mục không bị tác động của các đảo có thảm thực vật che phủ, hồ nước mặn, đỉnh nhọn núi đá vôi với vách dựng đứng nhô lên trên biển cũng là một phần lý do. 
"Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được xem là bảo tàng địa chất, chứa đựng những di sản với giá trị nổi bật toàn cầu. Nơi đây chứng kiến những thay đổi đặc trưng trong lịch sử phát triển của Trái đất", trích nhận xét từ Cục Di sản Văn hóa.
Tổng hợp
Hotline 0941886161
Liên hệ qua Zalo
Messenger